Quy trình khoan khảo sát địa chất

Quy trình khoan khảo sát địa chất

Quy trình khoan khảo sát địa chất được áp dụng theo TCVN 9437:2012 được chuyển đổi từ 22 TCN 259-2000.

Để hiểu rõ hơn về công tác khoan khảo sát địa chất, chúng tôi tổng kết lại quy trình khoan khảo sát địa chất gồm các bước cơ bản bên dưới.

Quy trình khoan khảo sát địa chất có thể thay đổi tùy thuộc vào cấp độ công trình và tùy vào bước khảo sát, tuy nhiên cơ bản sẽ bao gồm các yếu tốt chính sau:

Quy trình khoan khảo sát địa chất gồm các bước chính:

1- Tiếp nhận nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khoan, lập hợp đồng và lập kế hoạch triển khai công tác khoan;
2- Tiến hành các công tác chuẩn bị trước khi khoan;
3- Xác định vị trí và cao độ miệng lỗ khoan;

4- Làm nền khoan và lắp ráp thiết bị khoan, chạy thử máy;
5- Tiến hành công tác khoan thăm dò, thu thập các tài liệu địa chất và các loại mẫu, làm các thí nghiệm trong lỗ khoan và các quan trắc cần thiết trong lỗ khoan.
6- Chuyển giao các loại mẫu đến nơi quy định;

7- Kết thúc lỗ khoan, lấp lỗ khoan, thu dọn hiện trường, di chuyển sang lỗ khoan mới;
8- Lập hồ sơ,hoàn chỉnh tài liệu khoan thăm dò của công trình;
9- Tổ chức nghiệm thu công tác khoan khảo sát địa chất;
10- Giao hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất, nghiệm thu thanh lý hợp đồng.

Công tác thực hiện chi tiết:

Các bước của quy trình khoan khảo sát địa chất:

1- Tiếp nhận nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khoan, lập hợp đồng và lập kế hoạch triển khai công tác khoan;

Nhiệm vụ khoan khảo sát do tư vấn thiết kế lập, Chủ đầu tư phê duyệt. Nhà thầu khoan khảo sát địa chất sau khi tiếp nhận nhiệm vụ khảo sát từ Chủ đầu tư sẽ tiến hành lập Phương án kỹ thuật khoan khảo sát địa chất. Trong phương án phải có các nội dung sau:
– Bình đồ bố trí mạng lưới lỗ khoan. Số liệu và tọa độ của từng lỗ khoan;
– Độ sâu dự kiến của lỗ khoan (ở nơi mặt đất có thể biến động phải ghi cao độ đáy lỗ khoan thiết kế) quy định về các trường hợp cho phép ngừng khoan sớm hoặc phải khoan sâu hơn;
– Đường kính nhỏ nhất của đáy lỗ khoan;

– Các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt về việc theo dõi địa tầng, theo dõi mực nước trong lỗ khoan, yêu cầu và cách thức lấy mẫu, các thí nghiệm và quan trắc trong lỗ khoan, việc lấp lỗ khoan, và các hướng dẫn để thực hiện các yêu cầu đó;
– Các tài liệu và các loại mẫu cần giao nộp;
– Thời hạn hoàn thành công tác khoan khảo sát địa chất.

– Ngoài ra, trong phương án khoan khảo sát địa chất nên nêu rõ chi tiết khối lượng công việc thực hiện như số lượng hố khoan, chiều sâu mỗi hố, số lượng mẫu cơ lý, số lượng mẫu thí nghiệm SPT hiện trường, các tiêu chuẩn thí nghiệm kèm theo và các thí nghiệm đặc biệt khác nếu có. Dựa vào nhiệm vụ này, giám sát Chủ đầu tư sẽ thực hiện việc giám sát khoan dễ dàng và thuận tiện.

Bản thiết kế thi công lỗ khoan phải xác định rõ các điểm sau đây cho từng lớp đất đá chính;
– Phương pháp khoan, loại mũi khoan và đường kính mũi khoan;
– Biện pháp gia cố thành lỗ khoan. Đường kính và chiều sâu hạ vào trong đất của từng lớp ống chống. Trường hợp phải hạ ống chống sâu hơn các giới hạn quy định. Cần tính toán khả năng nhổ ống chống sau này. Các thông số dung dịch sét, chế độ bơm dung dịch sét v.v… (nếu gia cố thành lỗ khoan bằng dung dịch sét);

Lập hợp đồng khảo sát địa chất công trình. Hợp đồng khoan khảo sát địa chất được 2 bên ký kết, nêu rõ các phương pháp sử dụng trong quá trình khảo sát. Hợp đồng cũng nêu rõ khối lượng khảo sát, thời gian bàn hoàn thành và số lượng hồ sơ giao nộp.

Bước 1 của quy trình khoan khảo sát địa chất rất quan trọng, tất cả các căn cứ và khối lượng thực hiện sau này đều phải dựa theo bước 1.

2- Tiến hành các công tác chuẩn bị trước khi khoan;

Công tác chuẩn bị trước khi khoan phải được thực hiện theo các nội dung và trình tự sau đây:
– Tổ chức lực lượng sản xuất, điều động nhân lực theo yêu cầu mới;
– Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký thiết bị, dụng cụ, vật liệu khoan trước khi đưa ra hiện trường;
– Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký các phương tiện an toàn lao động theo luật an toàn lao động;

– Giải quyết các thủ tục để triển khai công tác ở hiện trường;
– Tổ chức vận chuyển công nhân và thiết bị đến hiện trường;
– Thực hiện các công tác chuẩn bị ở hiện trường.

Tất cả các thiết bị, dụng cụ, vật liệu khoan đều phải được kiểm tra về quy cách và phẩm chất. Máy khoan, máy phát lực, máy bơm và các thiết bị khoan khác phải đồng bộ. Các loại ống chống, ống mẫu, ống mùn khoan, cần khoan… phải đảm bảo quy cách về độ cong, độ mòn, độ vặn ren theo yêu cầu.

Vận chuyển máy móc thiết bị khoan đến công trường bằng xe tải 1,95 tấn có cẩu để thuận tiện cho việc cẩu máy khoan lên và xuống.
Trường hợp khoan tại Khu công nghiệp thì phải xin phép trước với bên Ban quản lý Khu công nghiệp . Phía Ban quản lý sẽ cấp giấy phép vào khu công nghiệp và có thời gian cụ thể cho phép lưu lại tại công trình.

Thủ tục xin phép Khu công nghiệp gồm: Danh sách nhân công, danh sách máy móc thiết bị mang vào Khu công nghiệp, Thời gian lưu lại trong quá trình khảo sát. Ngoài ra Nhà thầu khảo sát (hoặc Chủ đầu tư) phải thực hiện ký quỹ với Khu công nghiệp, quỹ sẽ được hoàn lại sau khi quá trình khoan khảo sát kết thúc.

3- Xác định vị trí và cao độ miệng lỗ khoan của quy trình khoan khảo sát địa chất

Xác định vị trí lỗ khoan

Khi xác định vị trí lỗ khoan phải:
– Bảo đảm đúng tọa độ đã được quy định trong bản nhiệm vụ khoan hay phương án kỹ thuật khảo sát;
– Tuân theo các quy định của công tác đo đạc được nêu trong điều này.
Trong trường hợp gặp khó khăn không thể khoan đúng vị trí đã định và nếu không có quy định đặc biệt thì đơn vị khoan được phép dịch lỗ khoan trong khoảng 0,5-1,0 m, tính từ vị trí lỗ khoan đã được xác định, nhưng phải đảm bảo mục đích thăm dò của lỗ khoan đồng thời xác định tọa độ thực tế của lỗ khoan đã khoan.

Xác định cao độ miệng lỗ khoan

Trước khi khoan phải đo cao độ mặt đất thiên nhiên tại vị trí lỗ khoan, giá trị lấy tròn đến cm và phải ghi rõ vào nhật ký khoan (gọi là cao độ miệng lỗ khoan).
Khi xác định cao độ miệng lỗ khoan phải dựa vào các cọc mốc cao độ hoặc các cọc định vị có cao độ của công trình. Các cọc mốc cao độ hoặc các cọc định vị có cao độ phải do cơ quan thiết kế công trình hay đơn vị khảo sát được ủy quyền bàn giao tại hiện trường.
Trường hợp ở khu vực khoan chưa có cọc mốc cao độ thì có thể lập mốc hay hệ thống mốc cao độ giả định, nhưng trước khi nghiệm thu toàn bộ công tác khoan phải xác định được cao độ chính thức của các lỗ khoan.

Việc đo cao độ miệng lỗ khoan phải được thực hiện bằng máy trắc địa chuyên dụng. Sai số giữa 2 lần đo không được vượt quá ±30 (mm), với L là khoảng cách từ mốc cao độ tới lỗ khoan, tính bằng km.
Ở mỗi lỗ khoan nên đặt một mốc cao độ phụ thỏa mãn các yêu cầu sau đây:
– Vị trí mốc cao độ phụ phải ổn định cách lỗ khoan chừng từ 2 m đến 3 m và thuận lợi cho công việc đo đạc và kiểm tra cao độ trong khi khoan;
– Có cao độ xấp xỉ mặt nền (sàn) khoan.

4- Làm nền khoan và lắp ráp thiết bị khoan, chạy thử máy;

Làm nền (sàn) khoan

Khi làm nền (sàn) khoan phải giữ lại cọc hoặc dấu định vị lỗ khoan đã cắm để sau này dựng tháp khoan và lắp ráp máy khoan cho đúng vị trí và tính toán lại cao độ miệng lỗ khoan sau khi có sự thay đổi tăng hoặc giảm do phải đào hoặc đắp nền.
Kích thước nền (sàn) khoan phải đảm bảo đủ chỗ để đặt thiết bị, dụng cụ, vật liệu khoan và thao tác. Kích thước tối thiểu của nền (sàn) khoan, khi khoan thẳng đứng phụ thuộc vào loại thiết bị khoan được sử dụng

Bên cạnh nền khoan, cần làm một bãi công tác để kéo cần khoan, chuẩn bị dụng cụ, tháo mẫu
– Nền (sàn) khoan phải chắc chắn, ổn định và thuận lợi cho việc tiến hành công tác khoan trong suốt thời gian khoan;
– Mặt nền (sàn) khoan phải bằng phẳng, chắc chắn, thoát nước tốt.

Lắp dựng tháp khoan

Khi lắp dựng loại tháp khoan độc lập phải tiến hành theo các quy định sau:
– Lắp dựng tháp khoan trước khi lắp đặt máy khoan;
– Bất kỳ là loại tháp khoan có mấy chân phải tìm cách cố định hai chân để chống trượt, tốt nhất là cố định hai chân ở vị trí làm việc chính thức của chúng sau khi dựng tháp. Hai chân cố định phải được lắp đầy đủ các thanh giằng. Đối với tháp khoan có 4 chân, phải lắp đầy đủ các thanh giằng cho hai chân còn lại;
– Tùy theo khả năng thực tế có thể dùng sức người, tời gắn ở chân tháp khoan, tời đặt ngoài, cần cẩu để dựng tháp khoan nhưng phải căn cứ vào tính toán để dựng tháp khoan cho an toàn;

Lắp ráp thiết bị khoan

Đối với loại máy khoan có bệ máy đặt trên mặt đất thì bệ máy phải được kê trên đòn ngang (bằng gỗ hay thép) đã quy định cho từng loại máy và bắt chặt vào các đòn ngang ấy. Phải kê chèn đế cho các đòn ngang gối đều lên mặt đất và bệ máy được ngang bằng (kiểm tra bằng thước thăng bằng).
Khi nền đất mềm yếu cần tăng cường kê lót hay cải tạo đất nền.

Phải đặt bệ máy vào đúng vị trí sao cho khi lắp đầu máy khoan thì trục quay đầu máy khoan trùng với trục lỗ khoan.
Đối với bệ máy khoan có thớt di động thì bệ máy phải được đặt sao cho trục quay đầu máy khoan cách lỗ khoan một đoạn gần bằng khoảng di động được của thớt.
Sau khi kiểm tra và xử lý các sai lệch của máy xong mới cho máy chạy thử.

Quy trình khoan khảo sát địa chất tiếp theo là

5- Tiến hành công tác khoan thăm dò, thu thập các tài liệu địa chất và các loại mẫu, làm các thí nghiệm trong lỗ khoan và các quan trắc cần thiết trong lỗ khoan.

Trước hết phải chọn phương pháp khoan thích hợp với điều kiện mặt bằng hiện tại
Lựa chọn phương pháp khoan

Loại đất đá

Cấp đất đá theo độ khoan

Phương pháp khoan

– Các loại đất dính ở trạng thái dẻo chảy, chảy, bùn.

I

– Khoan xoay: mũi khoan lòng máng, mũi khoan thìa, mũi khoan guồng xoắn đầu phẳng.
– Khoan ép: ống mẫu có van, mũi khoan hom.
– Các loại đất dính ở trạng thái dẻo, dẻo cứng
– Đất dính lẫn dăm, sạn (sỏi, cuội)

II – III

– Khoan xoay: mũi khoan guồng xoắn, mũi khoan guồng xoắn đầu phẳng, mũi khoan hạt hợp kim nòng đôi (kết hợp dung dịch sét).
– Các loại đất rời (cát, sỏi, cuội nhỏ và vừa) ở trạng thái xốp rời đến chặt.

I – III

– Khoan đập: ống mẫu có van.
– Khoan xoay: mũi khoan guồng xoắn đầu phẳng, mũi khoan hợp kim nòng đôi (kết hợp dung dịch sét).
– Đất hòn to (cuội lớn, đá tảngv.v..)
– Các địa tầng kẹp lẫn đá hòn to.

III – VII

– Khoan đập: ống mẫu van, mũi khoan phá.
– Khoan xoay: mũi khoan hợp kim, mũi khoan bi hay mũi khoan kim cương, mũi khoan guồng xoắn đầu khoan phá.
– Đất sét cứng.
– Các loại đá có độ cứng từ mềm đến cứng vừa.

III – VII (VIII)

– Khoan xoay: mũi khoan hợp kim, mũi khoan hợp kim nòng đôi kết hợp dung dịch sét khoan guồng xoắn với đầu khoan phá.
– Các loại đá từ cứng đến cực kỳ cứng.

(VII) VIII-XII

– Khoan xoay: mũi khoan hợp kim, mũi khoan kim cương.
CHÚ THÍCH: Cấp đất đá đặt trong ngoặc đơn là cấp đất đá được khoan trong trường hợp cá biệt.
  • Nếu khoan sông, biển: phải dùng phao, bè kết hợp để đặt máy khoan.
  • Nếu khoan trên ruộng nước, dùng phuy ráp lại để đặt máy khoan
  • Nếu khoan trên cạn, điều kiện đất nền tốt, không bị lún ướt có thể đặt máy khoan trực tiếp lên mặt đất không cần phương tiện hỗ trợ.
quy trình khoan khảo sat địa chất
Quy trình khoan khảo sát địa chất

Sau khi xác định phương pháp khoan, tiến hành khoan thăm dò khảo sát địa chất. Công tác khoan khảo sát địa chất với đội ngũ khoảng 4 công nhân và 1 kỹ thuật hiện trường ghi chép và lấy mẫu bảo quản.

Trong quá trình khoan phải theo dõi, đo đạc và ghi chép đầy đủ, trung thực vào nhật ký khoan về các mặt:
– Tình hình khoan (các loại thiết bị và dụng cụ khoan đã sử dụng, tình hình và cách giải quyết các sự cố về khoan, độ sâu của mũi khoan, diễn biến của việc sử dụng dung dịch hoặc độ sâu và đường kính ống chống, diễn biến khi khoan qua các loại địa tầng v.v…);
– Tình hình địa chất (sự phân bố của các tầng đất đá, chủ yếu là độ sâu của các tầng đất đá, các hiện tượng địa chất công trình, tình hình địa chất thủy văn đã được phát hiện trong khi khoan);

Tình hình lấy các loại mẫu đất, đá, nước và các đặc trưng (tên gọi, tính chất, trạng thái, thành phần) của mẫu;
– Độ sâu thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT), số búa từng đoạn và trị số N (Nếu có thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn);
Lấy mẫu thí nghiệm trong các lỗ khoan theo các nguyên tắc sau:
Mỗi lớp đất phải có ít nhất một mẫu thí nghiệm;

Quy trình khoan khảo sát địa chất thường được tiến hành theo trình tự. Tuy nhiên, có 1 vài trường hợp, quy trình khoan khảo sát địa chất có thể thay đổi đôi chút.
Đối với các lớp đất dày hơn 2 m, thì cứ khoảng 2 m lấy một mẫu nguyên trạng (đối với đất dính) hoặc mẫu không nguyên trạng (mẫu xáo trộn) đối với đất rời rạc, đất phong hóa;
Đối với các địa tầng thuộc loại đất sét, sét pha, cát pha, bùn, than bùn, đá phong hóa dạng đất, phải tận lượng lấy đầy đủ mẫu nguyên trạng;

Đối với các loại đất dính có bề dầy dưới 0,5 m không lấy được mẫu nguyên trạng do đã khoan xuyên qua hoặc đối với các trường hợp quy định phải lấy mẫu nguyên trạng như bùn lỏng, cát sét v.v… mà trong một vài trường hợp quá khó khăn không thể lấy được thì phải lấy được mẫu xáo động giữ ẩm để thí nghiệm;
Đối với các lớp cuội, sỏi (dăm sạn), cát sỏi, (cát sạn); các lớp cát có độ ẩm từ ẩm ướt đến bão hòa, thì lấy mẫu xáo động không giữ ẩm.

Trường hợp có các thí nghiệm hiện trường khác thì phải kết hợp thực hiện trong quá trình khoan như thí nghiệm cắt cánh hiện trường trong tầng đất yếu, thí nghiệm thấm trong hố khoan (đổ nước, hút nước thí nghiệm trong 1 tầng đất cố định để xác định độ thấm của đất trong điều kiện thực tế tại hiện trường).
Sau khi khoan xong để ổn định 24h sẽ đo mực nước ngầm trong hố khoan.

Xem video quy trình khoan khảo sát địa chất ngoài hiện trường.

Lựa chọn phương pháp khoan và dụng cụ lấy mẫu theo địa tầng

Loại đất đá

Loại mẫu

Dụng cụ lấy mẫu

Phương pháp

Ghi chú

Các loại đất dính ở trạng thái dẻo chảy, chảy, bùn Nguyêntrạng – Ống mẫu thành mỏng
– Ống mẫu chẻ có pít tông
Nén, ép
Các loại đất dính trạng thái dẻo mềm đến cứng Nguyêntrạng – Ống mẫu nguyên trạng loại thường hoặc loại có pít tông.
– Ống mẫu nòng đôi
– Đóng tạ
– Khoan khô lấy mẫu hoặc khoan xoay kết hợp bơm dung dịch.
Các loại cát ở trạng thái xốp rời đến chặt vừa ẩm ướt đến bão hòa. Mẫu xáo động (không nguyên trạng) – Ống mẫu có van
– Ống mẫu nòng đôi
– Ống mẫu chẻ của mũi xuyên SPT
– Khoan đập
– Khoan xoay kết hợp bơm dung dịch sét.
– Lấy mẫu kết hợp thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn.
– Lấy mẫu theo phương pháp tứ phân
Đất hòn to (Cuội, sỏi,sạn đá tảng) Mẫu xáo động (Không nguyên trạng) – Ống mẫu có van.
– Mũi khoan hạt hợp kim, kim cương.
– Khoan đập
– Khoan xoay lấy mẫu.
– Lấy mẫu theo phương pháp tứphân

Các loại mẫu nước cần lấy khi khoan

Loại mẫu nước thí nghiệm

Mục đích nghiên cứu

Nước ngầm (tự nhiên)

Tính chất hóa, lý của nước ngầm.

Nước ngầm (tự nhiên)

Phân tích khả năng ăn mòn bê tông của nước (nếu cần)

Bước 5 được thực hiện dựa theo đúng quy trình khoan khảo sát địa chất theo TCVN 9437:2012

Quy trình khoan khảo sát địa chất số 6

6- Chuyển giao các loại mẫu đến nơi quy định;

Sau khi khoan xong sẽ vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm để tiến hành các thí nghiệm trong phòng, việc vận chuyển mẫu phải đảm bảo tính chất nguyên trạng của mẫu đất, xếp dỡ nhẹ nhàng.
Sau khi đem về phòng thí nghiệm phải để nơi khố ráo, thoát mát, và phải ký biên bản bàn giao mẫu với bên nhận mẫu.

7- Kết thúc lỗ khoan, lấp lỗ khoan, nghiệm thu, thu dọn hiện trường, di chuyển sang lỗ khoan mới;

Công tác kết thúc lỗ khoan

Công việc kết thúc của một lỗ khoan bao gồm:
– Nghiệm thu lỗ khoan;
– Lấp lỗ khoan;
– Tháo dọn dụng cụ máy móc;
– Vận chuyển máy móc, dụng cụ đến vị trí mới.

Nghiệm thu lỗ khoan

Tất cả các lỗ khoan sau khi khoan xong đều phải được nghiệm thu. Công tác nghiệm thu lỗ khoan bao gồm các nội dung sau:
– Vị trí, cao độ và độ sâu lỗ khoan;
– Các loại mẫu đất, đá, nước;

Lấp lỗ khoan

Đối với hầu hết các lỗ khoan sau khi đã được nghiệm thu, đều được lấp hoàn lại để:
– Bảo đảm giữ nguyên hoặc hạn chế các biến đổi về tính chất và trạng thái của địa tầng, về các trạng thái thủy nhiệt trong các lớp đất.
– Bảo đảm an toàn trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương.
– Bảo đảm tính ổn định cho công trình đã và sẽ xây dựng sau này trong khu vực có lỗ khoan.

Công tác tháo dọn dụng cụ, máy móc

Đối với máy khoan không thuộc dạng tự hành khi tháo dọn máy móc dụng cụ khoan cần theo trình tự sau:
– Xếp dọn đồ nghề và dụng cụ khoan;
– Tháo các máy khoan, máy bơm, máy nổ, xát xi;
– Tháo và hạ tháp khoan.

8- Lập hồ sơ, hoàn chỉnh tài liệu khoan thăm dò của công trình;

Hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất được lập theo Phụ Lục A của TCVN 9363-2012.
Hồ sơ khoan khảo sát địa chất công trình được trình bày trên khổ giấy A4, bản vẽ trình bày trên các khổ giấy lớn hơn.
Hồ sơ khoan khảo sát địa chất thường được lập thành 5 bản giao nộp Chủ đầu tư.
Hồ sơ khoan khảo sát địa chất hoàn chỉnh gồm các phần sau:

A.1 Mở đầu

– Nêu mục đích yêu cầu và nhiệm vụ của công tác khảo sát;
– Các căn cứ phục vụ công tác khảo sát;
– Khái quát điều kiện mặt bằng, đặc trưng kết cấu, tải trọng, số tầng nhà và các yêu cầu đặc biệt khác.

A.2 Phương án khảo sát

– Khối lượng, tiến độ công việc khảo sát, thí nghiệm;
– Bố trí các điểm thăm dò;
– Các phương pháp khảo sát: nêu rõ tiêu chuẩn hoặc cơ sở áp dụng để thực hiện các phương pháp khảo sát và thí nghiệm.

A.3 Điều kiện địa kỹ thuật của đất nền

– Phân biệt, phân chia và mô tả đất, đá theo thứ tự địa tầng trong đó đề cập đến cả diện phân bố, thế nằm qua kết quả khảo sát;
– Nước dưới đất và các vấn đề liên quan đến thi công và ăn mòn, xâm thực đến vật liệu nền móng và công trình;
– Tổng hợp tính chất cơ lý các lớp đất đá theo các loại thí nghiệm và lựa chọn giá trị đại diện phục vụ tính toán thiết kế nền móng;
– Kết quả quan trắc địa kỹ thuật (nếu có).

A.4 Đánh giá điều kiện địa kỹ thuật phục vụ xây dựng công trình

– Trình bày rõ địa tầng, tính chất cơ lý của đất nền, đánh giá định tính và định lượng mức độ đồng đều của các lớp đất, đặc trưng độ bền và tính biến dạng của đất nền;
– Chỉ rõ các hiện tượng địa chất bất lợi đang hoặc có thể có, phân tích sự ổn định của đất nền dưới tác dụng của tải trọng;
– Đánh giá ảnh hưởng của điều kiện địa chất thuỷ văn đối với công tác thi công nền móng, đánh giá sự ổn định của mái dốc, độ ăn mòn của nước đối với bê tông và bê tông cốt thép, đồng thời đưa ra phương án dự phòng;

– Nên có phân tích, khuyến cáo sử dụng hợp lý môi trường địa chất cho mục đích xây dựng công trình;
– Đánh giá sự ảnh hưởng công trình xây dựng với các công trình lân cận.

A.5 Kết luận chung và kiến nghị
A.6 Phần phụ lục

Phần phụ lục báo cáo gồm các bản đồ, mặt cắt, bản vẽ, bảng tính, biểu đồ. Các phụ lục cần thiết phải có:
– Mặt bằng bố trí các điểm thăm dò;
– Các trụ địa tầng hố khoan;
– Mặt cắt địa kỹ thuật: các mặt cắt dọc, ngang trên đó thể hiện thứ tự tên gọi lớp, số hiệu lớp, ký hiệu đất, đá, nước dưới đất, biểu đồ thí nghiệm, giá trị cơ lý đại diện…;
– Bảng tổng hợp tính chất cơ lý theo lớp;
– Các biểu đồ thí nghiệm hiện trường và trong phòng;
– Các biểu bảng khác liên quan đến kết quả khảo sát;
– Tài liệu tham khảo.

Một phần không thể thiếu trong quy trình khoan khảo sát địa chất là công tác nghiệm thu

9-Tổ chức nghiệm thu công tác khoan khảo sát địa chất

Nghiệm thu công tác khoan khảo sát địa chất được thực hiện giữa nhà thầu khảo sát và chủ đầu tư, trong đó có sự chứng kiến của giám sát.
Nghiệm thu công tác khoan khảo sát địa chất nhằm mục đích tổng hợp lại khối lượng thực hiện thực tế so với phương án đã lập, sự khác biệt về khối lượng khảo sát (nếu có) sẽ được trình bày cụ thể, lý do có sự thay đổi đó.

10- Giao hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất, nghiệm thu thanh lý hợp đồng.

Hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất sau khi hoàn thành sẽ giao nộp Chủ đầu tư. Hồ sơ báo cáo địa chất được giao nộp kèm theo các chứng chỉ pháp nhân của công ty để Chủ đầu tư sử dụng cho xin phép xây dựng và hoàn công.

Thanh lý hợp đồng sẽ được ký kết ngay sau khi hoàn thành giao nộp đầy đủ hồ sơ cho Chủ đầu tư.

Kết thúc quy trình khoan khảo sát địa chất là bàn giao hồ sơ khảo sát địa chất và thanh lý hợp đồng.

Nội dung bài viết

Contact Me on Zalo
Call Now Button